TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Lựa chọn phương án thiết kế 1 bước hoặc 2 bước
Theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin không còn bắt buộc phải thực hiện thiết kế 1 bước cho dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng. Việc lựa chọn phương án thiết kế 1 bước hay 2 bước sẽ được cấp có thẩm quyền quyết định dựa trên tính chất và mức độ phức tạp của dự án.
Đối với dự án sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển: Quyết định thiết kế sẽ được đưa ra trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với hoạt động CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên: Quyết định này được đưa ra trước khi lập dự án, và có thể được lồng ghép vào bước phê duyệt nhiệm vụ và phân bổ kinh phí.
Phương án thiết kế phù hợp sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và tối ưu hóa nguồn lực trong quá trình thực hiện các dự án chuyển đổi số.
Quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư và mua sắm
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP cũng quy định về thẩm quyền quyết định đối với các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương sẽ quyết định việc đầu tư và mua sắm cho các hoạt động CNTT trong phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền cho việc đầu tư, mua sắm CNTT tại địa phương.
Những quy định này cho phép các cơ quan, đơn vị linh hoạt và chủ động trong việc đầu tư và triển khai các dự án CNTT, đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù quản lý của từng ngành, từng địa phương.
Thẩm quyền thẩm định thiết kế và giải pháp kỹ thuật
Theo quy định, Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương sẽ đảm nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết đối với các dự án CNTT thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND. Đối với các cơ quan, đơn vị không có chuyên môn về CNTT, việc thẩm định có thể được giao cho các tổ chức có năng lực, kinh nghiệm.
Các dự án CNTT cần phải tuân thủ quy trình thẩm định nghiêm ngặt, từ việc thẩm tra thiết kế đến việc lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan như Sở Tài chính để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả đầu tư.
Hướng dẫn mới của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm mục tiêu tối ưu hóa quản lý đầu tư CNTT, nâng cao hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên cả nước. Việc linh hoạt trong lựa chọn phương án thiết kế, cùng với phân cấp thẩm quyền đầu tư và mua sắm, sẽ giúp các dự án CNTT được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong năm 2024.
Bích Tuyền