Phê duyệt Quy hoạch thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Với mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất lớn, tập trung, hiện đại, hiệu quả; có năng lực tự đầu tư phát triển và bảo đảm giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ngành thủy sản và các nghề liên quan, đóng góp vào an ninh thực phẩm, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Ngày 01 tháng 7 năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký ban hành Quyết định số 690/QĐHC-CTUBND phê duyệt Quy hoạch thủy sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung quy hoạch bao gồm các định hướng phát triển chủ yếu như sau:
Thứ nhất là, nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích đến năm 2015 là 71.170 ha, năm 2020 là 74.850 ha và năm 2030 là 78.100 ha; tổng sản lượng thủy sản đến năm 2015 là 199.012 tấn, năm 2020 là 346.030 tấn và năm 2030 là 443.460 tấn; trong đó, sản lượng tôm nước lợ đến năm 2020 là 91.360 tấn, năm 2020 là 105.480 tấn và năm 2030 là 115.560 tấn, sản lượng cá nuôi có mức tăng trưởng là 8,3% trong giai đoạn 2012 – 2015; 17,5% trong giai đoạn 2016 – 2020 và 3,10% trong giai đoạn 2021 – 2030.
Và dự kiến nhu cầu lao động phổ thông đến năm 2015 là 118.522 người, 128.484 người vào năm 2020 và khoảng 137.830 người vào năm 2030; trong đó, có 70,70% lao động nuôi tôm nước lợ, 25,6% lao động nuôi cá và 3,8% lao động nuôi thủy sản khác.
Thứ hai là, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tổng số tàu thuyền khai thác đến năm 2015 là 1.150 chiếc, năm 2020 là 1.300 chiếc và 1.400 chiếc năm 2030; tổng sản lượng khai thác đạt 60.000 tấn, 70.000 tấn và 75.000 tấn vào các năm 2015, 2020 và 2030.
Thứ ba là, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản chuyển đổi theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ. Tăng nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm những nghề mang tính phá hủy nguồn lợi thủy sản, nhất là những phương tiện hoạt động ở vùng nước ven bờ. Phát triển một số nghề khai thác kết hợp phục vụ du lịch. Phát triển nghề vây, nghề câu khơi, chú trọng đến các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ,… phát triển đa dạng nghề lưới rê hoạt động trong mọi vùng nước, khuyến khích phát triển nghề rê khơi đánh bắt các đối tượng cá nổi di cư.
Thứ tư là, xác định lao động đánh cá là một yếu tố quan trọng trong quyết định hiệu quả nghề khai thác. Mặc dù cắt giảm số tàu nhỏ ven bờ nhưng tập trung phát triển đội tàu công suất lớn khai thác xa bờ, do đó đòi hỏi tăng thêm lao động, sẽ ổn định số lao động ở mức 9.000 – 10.000 người.
Thứ năm là, chế biến và tiêu dùng thủy sản: Đến năm 2015, tổng sản lượng chế biến thủy sản đạt 87.000 tấn, năm 2020 đạt 127.000 tấn và 184.000 tấn vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng năm 2015 khoảng 11%/năm, năm 2020 đạt 7,86%/năm và năm 2030 đạt 3,78%/năm. Sản lượng tôm đông vẫn chiếm tỷ trọng cao khoảng 65% trong cơ cấu các mặt hàng chế biến, còn lại là các mặt hàng chả cá, cá đông, mực đông,…Sản lượng xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 70% tổng sản lượng chế biến; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 500 triệu USD năm 2015, 700 triệu USD năm 2020 và 1.200 triêu USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng đạt 12,62%/năm, 6,96%/năm và 5,54%/năm vào các năm 2015, 2020 và 2030.
Thứ sáu là, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến căn cứ sản lượng chế biến thủy sản và định mức tiêu hao nguyên liệu, dự tính nhu cầu năm 2015 là 162.900 tấn, năm 2020 là 230.567 tấn và 326.400 tấn vào năm 2030; trong đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến vào các năm 2015, 2020 và 2030 khoảng 52,18% (chiếm 34,62% tổng sản lượng thủy sản); 58,55% (chiếm 48,33% tổng sản lượng thủy sản) và 61,27% (chiếm 64,63% tổng sản lượng thủy sản), còn lại thu mua từ các tỉnh lân cận, kể cả việc nhập khẩu từ các nước khác.
Thứ bảy là, hệ thống cở sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật nghề cá gồm: i) Đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô cảng cá Trần Đề giai đoạn 2. Tổ chức vận hành tốt khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại Kênh Ba; nâng cấp một số bến cá nhỏ ở một số huyện ven biển như bến cá Bãi Giá, Mỏ Ó (huyện Trần Đề), bến cá An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) và bến cá Hải Ngư (thị xã Vĩnh Châu).
ii) Tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống cơ sở đóng, sửa tàu thuyền nghề cá hiện có. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cấp các cơ sở đóng sửa, tàu cá có quy mô lớn tại huyện Trần Đề.
iii) Dịch vụ hậu cần thủy sản: Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất nước đá hiện có; tiếp tục khuyến khích phát triển đầu tư nhà máy nước đá gần khu vực cảng cá Trần Đề, công suất thiết kế 50 – 60 nghìn tấn/năm. Tổ chức tốt khâu cung cấp nhiên liệu cho tàu cá phân bố ở các cảng, bến cá; duy trì và phát triển các dịch vụ khác phục vụ khai thác thủy sản như: cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm, bốc dỡ sản phẩm,… tại các cảng cá, bến cá, đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề khai thác biển.
Bên cạnh đó Quy hoạch còn đề ra các giải pháp như: Về cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất; khoa học công nghệ, giống và thức ăn, thuốc và hóa chất thủy sản; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản; thú y thủy sản,… nhằm triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu Quy hoạch đã đề ra./. 
Thông báo


Hệ thống văn bản
LIÊN KẾT WEBSITE

  • Tất cả: 963887

              2018 © Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng

              Địa Chỉ: Số 21 Trần Hưng Đạo, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

              Điện Thoại: 02993.822333 - Email: sokhdt@soctrang.gov.vn

              Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Văn Ngoảnh - Giám đốc Sở

              Ghi Rõ Nguồn "Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.