Sóc Trăng ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Với mục tiêu chính thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của tỉnh; vừa qua, ngày 27/02/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo Kế hoạch ban hành, trong năm 2024, phấn đấu thực hiện đạt 12 mục tiêu sau: (1) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 01%/năm (trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer 02%/năm); (2) Giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo (trong đó, đưa 60 người lao động đi học tập, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng); phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; (3) Đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; (4) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; (5) 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; (6) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 12%; (7) 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; (8) Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi đi học đạt 94%; (9) Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 65%; (10) 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; (11) 85% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet; 94% hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương tiện phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin; (12) 95% người dân biết đến trợ giúp pháp lý; 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu theo đúng pháp luật.

Đối tượng thực hiện là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh (ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo); người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cụ thể các nội dung thực hiện các dự án thành phần của Chương trình gồm: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (gồm Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng); Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (gồm Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững); Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (gồm Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin; Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều); Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình (gồm Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình;  Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá).

Để triển khai thực hiện hoàn thành các nội dung đề ra, Kế hoạch triển khai các giải pháp chính (gồm: Đảm bảo triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án đúng theo nguyên tắc của Chương trình; giải pháp huy động vốn, lồng ghép nguồn lực; thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng); giải pháp về cơ chế quản lý, thực hiện; giải pháp về công tác tuyên truyền.

 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá việc thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ, đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các địa phương./. 

Kim Thanh
Thông báo


Hệ thống văn bản
LIÊN KẾT WEBSITE

  • Tất cả: 963868

              2018 © Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng

              Địa Chỉ: Số 21 Trần Hưng Đạo, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

              Điện Thoại: 02993.822333 - Email: sokhdt@soctrang.gov.vn

              Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Văn Ngoảnh - Giám đốc Sở

              Ghi Rõ Nguồn "Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.