Một số giải pháp cải thiện công tác quản lý ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Trong những năm qua nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và viện trợ không hoàn lại đã góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu của tỉnh, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế của địa phương; nâng cao điều kiện hưởng thụ phúc lợi xã hội cho nhân dân như các dự án giáo dục, y tế; đóng góp thiết thực trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng về biến đổi khí hậu,…

Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh có 23 dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và viện trợ không hoàn lại triển khai thực hiện (trong đó có 14 dự án thu hút mới, vận động trong giai đoạn 2016-2019 và 09 dự án chuyển tiếp từ các năm trước), với tổng vốn các dự án là 4.731,977 tỷ đồng. Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đạt một số kết quả, gián tiếp góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các dự án ODA cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn có một số quy định chưa thống nhất, chồng chéo, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đảm bảo tính ổn định; một số dự án được giao kế hoạch vốn ODA hàng năm trễ làm ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đối ứng đã được giao từ đầu năm cũng như khả năng giải ngân vốn ODA không được đảm bảo đúng thời gian; thủ tục điều chỉnh, điều chuyển nội bộ kế hoạch ODA rất phức tạp, mất nhiều thời gian; tình hình biến động giá cả làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; tỷ giá thay đổi làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án do dự án được phê duyệt bằng đồng ngoại tệ, hoặc vốn vay bằng ngoại tệ;….

Trên cơ sở những tồn tại hạn chế nêu trên, để công tác quản lý ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian tới đạt hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng đề ra một số giải pháp cải thiện như sau:

Tiếp tục nâng cao vai trò tham mưu quản lý, sử dụng ODA bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết với nhà tài trợ. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để bảo đảm mục tiêu, nội dung chương trình, dự án ODA.

Chủ động đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và ban quản lý dự án; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Chủ động giải quyết các khó khăn về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Đẩy nhanh, tích cực thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công – dự toán và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định. Đối với công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên, đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của từng dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành.

Bố trí kế hoạch vốn nước ngoài phù hợp với kế hoạch triển khai dự án./. 

Hoàng Thọ
Thông báo


Hệ thống văn bản
LIÊN KẾT WEBSITE

  • Tất cả: 884409

              2018 © Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng

              Địa Chỉ: Số 21 Trần Hưng Đạo, Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

              Điện Thoại: 02993.822333 - Email: sokhdt@soctrang.gov.vn

              Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Văn Ngoảnh - Giám đốc Sở

              Ghi Rõ Nguồn "Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.